01. Nhã Nhạc Cung Đình Huế:
Ngày 07/11/2003 nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO đưa vào danh mục kiệt tác
phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Huế song hành một lúc hai di sản văn hóa vật thể và phi vật thể- đánh dấu bước ngoặt về giá trị văn hóa vùng đất này.
02. Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên:
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào ngày 15/11/2005. Cồng chiêng Tây Nguyên rất đa dạng, phong phú, đã đi vào sử thi Tây Nguyên để khẳng định tính trường tồn của loại nhạc cụ này.
03. Quan Họ Bắc Ninh:
Ngày 30/9/2009, quan họ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Quan họ Bắc Ninh là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang) và là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam và được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền khẩu.
04. Ca Trù:
Ngày 1/10/2009, ca trù được công nhận là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam, có phạm vi tới 15 tỉnh, thành ở phía Bắc
05. Hát Xoan:
UNESCO đã công nhận hát xoan – Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào ngày 24/11/2011với những giá trị cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác. Hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu.
06. Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ:
Ngày 5/12/2013, UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với các tiêu chí: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa, thể hiện sự hòa hợp văn hóa và tôn trọng văn hóa riêng của các cộng đồng, dân tộc.
07. Dân Ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh:
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc miền Trung Việt Nam. Dân ca ví giặm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể ngày 27/11/2014 tại Paris (Pháp).
08. Lễ Hội Gióng:
UNESCO đã chính thức công nhận Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 16/11/2010. Hội Gióng là lễ hội truyền thống tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
09. Tín Ngưỡng Thờ Cúng Hùng Vương:
Ngày 06/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện cho nhân loại.
10. Nghi Lễ Và Trò Chơi Kéo Co:
“Nghi lễ và Trò chơi kéo co” ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 2/12/2015 tại Namibia.
11. Thực Hành Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ:
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang những nét đẹp nhân văn rất Việt Nam
Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 01/12/2016 tại nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia.
12. Nghệ Thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam:
Các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật Bài Chòi tại Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 07/12/2017 tại Hàn Quốc.