APP DI SẢN VĂN HÓA QUẢNG TRỊ HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH QUẢNG TRỊ

Thanhco10
Cổng thành phía Bắc (Cổng Hậu) mô hình 3D

Trong suốt thời gian qua từ năm 2015 đến nay, một nhóm tác giả thuộc nhiều đơn vị: Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo,…đã phối hợp xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu các di sản văn hóa Quảng Trị. Vừa qua, thông qua đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm Sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Trị” một ứng dụng trên điện thoại di dộng đã ra đời, hỗ trợ đắc lực cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá, du lịch và giáo dục.

Trong cuộc tổng tấn công năm 1972, Thành Cổ Quảng Trị là địa danh được cả thế giới biết đến bởi những chiến công hiển hách, tinh thần đấu tranh quả cảm, anh dũng của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm. Ngày nay, Thành Cổ Quảng Trị vẫn là địa chỉ có sức hút mãnh liệt đối với nhiều người. Tuy nhiên, hiện tại, Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị cũng như các cơ quan quản lý nhà nước của nhiều điểm di tích khác trên địa bàn mới chỉ có những thông tin dưới dạng sách, tờ rơi, video hay trên các website để giới thiệu, quảng bá. Thực tế, những thông tin này vẫn còn rời rạc và chưa hệ thống khiến nhiều người gặp trở ngại trong việc tìm kiếm thông tin liên quan.

Ngoài Thành Cổ Quảng Trị, nhóm nghiên cứu đã thu thập, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu các di tích lịch sử văn hóa trong phạm vi bán kính 10 km nếu lấy Thành Cổ Quảng Trị làm trung tâm như: Trường Bồ Đề, ngã ba Long Hưng, nhà thờ Long Hưng, chốt thép Long Quang, chốt Ngô Xá Tây, nhà thờ Trí Bưu, bến sông Thạch Hãn; Nghĩa Trũng Đàn, ngã ba cầu Ga (chốt tiểu đội Mai Quốc Ca), đình làng Như Lệ, nhà ông Tổng Trọng; Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, căn cứ La Vang, nhà thờ La Vang, tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang; một số di sản văn hóa phi vật thể… Dữ liệu này giúp du khách tìm kiếm và tra cứu dễ dàng các thông tin liên quan đến Thành Cổ Quảng Trị và khu vực lân cận.
2
Giao diện App Di sản văn hóa Quảng Trị

Theo ông Phan Tuấn Anh, chủ nhiệm đề tài  -từ trước đến nay trên địa bàn Quảng Trị có nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý di tích và quảng bá du lịch như: Xây dựng bản đồ du lịch tỉnh Quảng Trị (Quangtritourmap) bằng công nghệ GIS; Xây dựng hệ thống thông tin các nguồn lực phát triển Quảng Trị; Thiết kế hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch tỉnh Quảng Trị… Tuy nhiên, do hạn chế về công nghệ, các ứng dụng trước đây chỉ chạy trên CD hoặc WebGIS server nên việc đưa vào sử dụng gặp nhiều trở ngại, phạm vi phục vụ nhỏ, chỉ dừng lại ở nội dung học thuật của hệ thống thông tin, chưa có sản phẩm có thể phổ biến trong thực tế nhất là phục vụ du khách. Khắc phục những hạn chế của các sản phẩm trước, nhóm nghiên cứu đã kết hợp các công nghệ hiện đại như: GIS (Geography Information System – hệ thống thông tin địa lý) cùng với các công cụ và công nghệ hỗ trợ như: GPS (Global Positioning System – hệ thống định vị), UAV (Unmanned Aerial Vehicle – công nghệ máy bay không người lái), 3D (ThreeDimensional – đồ họa máy tính 3 chiều) để xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu số Di sản văn hóa Quảng Trị và ứng dụng “Di sản văn hóa Quảng Trị”.

Đây là giải pháp số hóa các di sản (di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh) xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và tích hợp lên bản đồ địa lý thông qua GIS tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu số. Từ đó, giúp người dùng khai thác hiệu quả và tiện lợi. Đặc biệt, khách du lịch có được những trải nghiệm mới về lịch sử thông qua tương tác với mô hình 3D. Ứng dụng này được hỗ trợ cài thông qua các file APK độc lập trên hệ điều hành Android (chiếm hơn 85% thị phần các thiết bị smartphone hiện nay) để phổ biến rộng rãi số lượng người sử dụng, giúp du khách có được những trải nghiệm mới về lịch sử, văn hoá. Ứng dụng còn thực hiện nhiệm vụ bảo tồn các di sản dưới dạng kỹ thuật số thông qua việc thu thập, xử lý, lưu trữ và truy cập mở vào cơ sở dữ liệu.

3
Các menu App Di sản văn hóa Quảng Trị

Trong quá trình khám phá và di chuyển tới điểm cần tham quan, du khách có thể theo dõi thêm các thông tin giới thiệu về các điểm đến một cách đầy đủ và ngắn gọn nhất để nắm bắt được các thông tin cần thiết. Đồng thời, ứng dụng sẽ gợi ý các điểm đến lân cận mà du khách có thể quan tâm hoặc thuận tiện cho du khách trong quá trình tham quan, khám phá. Ứng dụng “Di sản văn hóa Quảng Trị” như một “bản đồ số” hỗ trợ du khách chủ động lộ trình tham quan theo nhu cầu và điều kiện của mỗi người (thời gian, sức khỏe…), giúp cá nhân hóa hành trình tham quan một cách tối ưu. Với hệ thống thông tin đa dạng, ứng dụng này đáp ứng nhu cầu tiếp cận mở phục vụ mục đích giáo dục và du lịch văn hóa.

Người sử dụng có thể ghé thăm các di sản văn hóa thuận lợi, dễ dàng từ cùng một nguồn duy nhất của hệ thống qua các hình ảnh thực tế, hình ảnh 3D, các video 3D, video UAV và tư liệu văn hóa, lịch sử. Không đơn thuần là sản phẩm hỗ trợ phục vụ du khách tham qua khám phá trong lĩnh vực du lịch; các cơ sở dữ liệu mà nhóm nghiên cứu thu thập được còn hỗ trợ các cơ quan quản lý lĩnh vực văn hóa du lịch và quản lý di tích, đồng thời đây cũng là công cụ sinh động hỗ trợ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và đặc biệt cho học sinh khi môn học giáo dục lịch sử địa phương được áp dụng rộng rãi trong các trường học.

Chia sẻ về ý tưởng trong tương lai, Ông Tuấn Anh mong muốn sẽ tiếp tục hoàn thiện đầy đủ cơ sở dữ liệu bộ di sản văn hóa Quảng Trị (với 462 di sản văn hóa văn thể và 342 di sản văn hóa phi vật thể) nhưng trước tiên là 20 điểm di tích văn hóa từ cấp quốc gia trở lên và 4 cụm di tích đặc biệt cấp quốc gia; tiếp tục phát triển ứng dụng tham quan ảo (AR, 360 độ) tại một số điểm di tích đồng thời phát triển hệ thống bằng phiên bản tiếng Anh và phát triển tiếp trên hệ điều hành iOS để đa dạng hóa đối tượng người dùng và phục vụ người khách du lịch quốc tế.

 

Ông Phan Tuấn Anh – hiện công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, ông cũng là ủy viên BCH Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và thời gian đã cùng với VDCA tài trợ tổ chức cuộc thi Thế hệ sáng tạo ((Innovative Generation – IG) năm 2019 và 2021 do Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị tổ chức. Qua sản phẩm ứng dụng Di sản văn hóa Quảng Trị ông và nhóm của mình mong muốn có một sản phẩm góp phần cho quá trình chuyển đổi số mà đặc biệt chuyển đổi số ngành Du lịch và Giáo dục. Cũng theo Ông Bùi Như Uyên – Chánh Văn phòng UVBTV VDCA cho biết – VDCA sẽ hỗ trợ và giới thiệu để sản phẩm Ứng dụng Di sản văn hóa Quảng Trị tham gia Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2023 – VDA 2023, đây là giải thưởng tôn vinh những thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và cá nhân, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Do VDCA cùng với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tạp chí điện tử VietTimes là cơ quan tổ chức thực hiện.

Nguồn: Tạp Chí điên tử Viettimes